Chủ nhật Ngày 6/4/2025, 6:30:06 AM

I. TÊN GỌI:  Miếu Nhàng Nhàng

   Tên thường gọi: Miếu Ông Nhàng

II. VỊ TRÍ VÀ ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH

Miếu Nhàng Nhàng trước đây thuộc địa phận làng Mỹ Lộc, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên, nay thuộc tổ dân phố 3 thị trấn Cẩm Xuyên. Trước năm 1945 làng Mỹ Lộc thuộc xã Thạch Khê Trung. Sau năm 1945, các xã Thạch Khê Thượng, Thạch Khê Trung, làng Hầu Thượng và làng Ngô Xá (thuộc xã Thạch Thành) sát nhập thành xã Quang Huy. Tháng 12 năm 1954, xã Quang Huy được chia thành 2 xã Cẩm Quang và Cẩm Huy, cắt thêm làng Phượng Trì thuộc xã Cẩm Vân về xã Cẩm Huy. Toàn xã có 12 thôn: Nam Hữu Quyền, Bắc Hữu Quyền, Nam Mỹ Lộc, Bắc Mỹ Lộc, Nam Phượng Trì, Bắc Phượng Trì, Nam Hầu Thượng, Bắc Hầu Thượng, Đông Cát, Bắc Cát, Nam Cát và Nam Cát Đông. Diện tích 896,02 ha, dân số là 3.786 người. Đến ngày 21/11/2019 toàn bộ dân số và diện tích đất đai của xã Cẩm Huy được sát nhập vào thị trấn Cẩm Xuyên.

Thị trấn Cẩm Xuyên có vị trí địa lý phía Đông giáp xã Nam Phúc Thăng, phía Tây giáp xã Cẩm Quang, phía Nam giáp xã Cẩm Quan và Cẩm Hưng, phía Bắc giáp xã Yên Hòa. Thị trấn Cẩm Xuyên là địa phương có di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền thờ Thượng tướng Nguyễn Biên (làng Hầu Thượng) và nhiều di tích lịch sử - văn hóa, như: Đền Cương Khấu - Lộc Sơn, chùa Lộc Sơn (làng Mỹ Lộc), miếu Hữu Quyền (thôn Hữu Quyền), đền Cát Khánh (làng Cát Khánh), đền Cát Thiên, đền Thái Giám (thôn Nam Cát), đền Hầu Thượng (làng Hầu Thượng), đền Cẩm Bào hay còn gọi là đền Bà (làng Cẩm Bào) và hệ thống giếng cổ như  giếng Chòm,  giếng Đá, giếng Thềm và giếng Vàng.

Di tích miếu Nhàng Nhàng cách thành phố Hà Tĩnh 17 km về phía Đông Nam. Từ thành phố Hà Tĩnh, bằng các phương tiện giao thông đường bộ du khách theo Quốc lộ 1A, theo hướng Nam đi đến quảng trường Hà Huy Tập, thị trấn Cẩm Xuyên 15 km, rẽ trái về hướng Đông đi theo trục đường giao thông liên huyện đến khu dân cư phía Bắc tổ dân phố 3, thị trấn Cẩm Xuyên khoảng 2 km là đến di tích.

III. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ

1. Sự hình thành di tích

Qua khảo sát thực tế tại di tích và nghiên cứu gia phả một số dòng họ đến định cư, lập nghiệp sớm nhất trong vùng như: Nguyễn Đình, Hoàng Bá, Nguyễn Huy, Lê Hữu, Hoàng Hữu cho biết vùng đất Mỹ Lộc được hình thành khoảng 400 -500 năm trước. Do đó, miếu Nhàng Nhàng được xây dựng gắn với lịch sử định cư của các dòng họ, quá trình hình thành làng xã để phục vụ các hoạt động văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng.

Về vị thần được thờ tại miếu Nhàng Nhàng, sách Địa chí huyện Cẩm Xuyên chép: “Về nhân thần có Ông Nhàng ở Mỹ Lộc”. Về lai lịch của thần theo truyền ngôn lưu truyền trong dân gian cho biết xưa kia có một người tên là Nhàng, không rõ quê quán đã đến vùng đất này sinh sống, lập nghiệp. Ông Nhàng sống một mình nhưng chăm chỉ làm ăn và rất gần gũi với dân làng. Ông Nhàng đã cùng cộng đồng dân cư khai khẩn ruộng đất, chăm lo phát triển kinh tế góp phần xây dựng xóm làng, đặc biệt Ông Nhàng là người đã có công hướng dẫn người dân địa phương làm giấy Dó - Bù, đây là một sản phẩm thủ công truyền thống của làng, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân. Một thời gian sau khi cuộc sống của dân làng ổn định, Ông Nhàng đã âm thầm rời làng ra đi đến đâu không ai biết rõ, về sau nhớ ơn công lao của ông đối với vùng đất Mỹ Lộc, nhân dân trong làng đã tổ chức tu bổ, tôn tạo lại ngôi miếu thờ Thổ thần do ông Nhàng xây dựng trong khu vườn để thờ phụng và tôn thờ ông làm Thành Hoàng làng.

2. Nhân vật lịch sử Ông Nhàng – vị Thành Hoàng làng Mỹ Lộc

Công lao của Ông Nhàng đối với vùng đất Mỹ Lộc xưa trong việc khai khẩn đất đai, xây dựng xóm làng mà ngày nay những cánh đồng được khai phá từ thời đó vẫn còn tồn tại như: Ruộng Hậu, Cơn Bùi, Bàu Nẩy, Đội Hoang, Mụ Đen.... Đặc biệt, Ông Nhàng đã hướng dẫn nhân dân trong vùng xây dựng, phát triển kinh tế, trong đó là nghề làm giấy Dó – Bù, về sau trở thành một sản phẩm hàng hóa, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân trong vùng (nay thuộc Cẩm Quang, Cẩm Huy (cũ) và thị trấn Cẩm Xuyên). Về kỹ thuật sản xuất giấy Dó – Bù, sách Địa chí huyện Cẩm Xuyên chép: “Cư dân các làng đều biết làm giấy Dó - Bù, tùy theo khả năng kinh tế của từng hộ giàu có và trường vốn thì mua sắm dụng cụ thuê nhân công làm, nếu nghèo thì làm một trong những công đọan, như đi lấy vỏ cây Dó tận rừng sâu. Để làm giấy Dó phải có vỏ cây Dó, vỏ cây Dó được lấy từ Hương Khê, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Trai làng “ngược ngàn” thành phường hội. Vỏ Dó đem về ngâm khoảng 1 ngày đêm với nước vôi, sau đó xé nhỏ nén chặt vào một thùng gỗ đáy nhỏ miệng lớn, miệng được trét đất sét cho kín Bắc lên nồi đồng hông như hông xôi 2 đến 3 giờ, sau đó tiếp tục ngâm kỹ. “Giã Dó” là công đoạn nặng nhọc nhất: một tấm gỗ dày 5 - 10cm, rộng khoảng 40cm, dài trên 1m, hai người ngồi 2 bên, mỗi tay cầm một khúc gỗ đập cho đến khi vỏ Dó nát nhừ. Tiếp đến là “vút giấy”, vỏ dó đã giã nhỏ bỏ vào một cái rá lớn, đường kính khoảng 80cm, đem xuống hồ quấy kỹ cho sạch nước vôi, rồi vắt thành từng vắt lớn, xắt nhỏ thành bột giấy, bột giấy hòa vào nước trong một thùng gỗ lớn, pha thêm một ít nước nhựa cây bài lài, quấy đều gọi là “đánh trắn”. Các thanh tre được vót tròn mảnh hơn que tăm kết lại như tấm mành làm khuôn giấy (còn gọi là liềm múc giấy). Liềm có khuôn gỗ, múc một ít nước bột giấy nâng lên xoay một vòng, nước chảy đi còn bột giấy tụ lại một lớp mỏng thành tờ giấy. Tráng xong đem xéo, tức là ép cho ráo nước rồi đem phơi khô. Giấy dó dùng làm hàng mã, dán quạt, để làm giấy viết phải hồ một lớp nước cơm phơi khô, là trơn. Nhờ nguồn giấy viết này mà phong trào Bình dân học vụ phát triển mạnh, chỉ có hai làng làm được nhưng vẫn được gọi là giấy Quang Huy. Giấy Quang Huy chủ yếu được đem bán ở chợ Voi (Kỳ Anh), chợ Lụi (Cẩm Hà), chợ Cừa (Cẩm Hòa), chợ Đạu (Thạch Lạc), chợ tỉnh. Giấy Dó - Bù thịnh hành một thời gian dài, cho đến những năm 1954, 1955, giấy nứa Đức Thọ chiếm ưu thế, nghề vàng mã không còn là vị thế, giấy Quang Huy mai một dần”

Nghề làm giấy Dò – Bù ngày càng phát triển, trở thành một sản phẩm hàng hóa góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho một bộ phận cư dân ở các làng Hầu Thượng, Cát Khánh, Mỹ Lộc xưa. Đặc biệt, giấy Dó - Bù còn góp phần tích cực đẩy mạnh phong trào Bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ cho cả huyện. Theo đó, từ năm 1946 đến năm 1948, toàn huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức được 584 lớp sơ cấp tập trung với 14.404 học viên; 612 lớp bình dân với 17.000 học viên; 99 lớp dự bị với 2.870 học viên. Huyện Cẩm Xuyên được công nhận là huyện đầu tiên ở Hà Tĩnh và ở Liên khu IV thanh toán xong nạn mù chữ, được Bác Hồ gửi thư khen ngày 15/1/1948.

Tri ân, tưởng nhớ công lao của Ông Nhàng với vùng đất Mỹ Lộc, nhân dân địa phương đã thờ ông theo nghi thức thờ Thành Hoàng làng. Đến thời nhà Nguyễn, vua Khải Định đã ban sắc phong thần thờ Bản cảnh Thành hoàng, đáng tiếc trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ do khu vực miếu Nhàng Nhàng được quân đội sử dụng làm nơi tập kết vũ khí, nên sắc phong và các tài liệu liên quan bị thất lạc, mất mát.

Như vậy, qua nghiên cứu về di tích cho biết vị Thần được thờ ở đây là Ông Nhàng – một Nhân thần và ngôi miếu gắn với lịch sử hình thành và phát triển của làng Mỹ Lộc từ xưa đến nay. Trải qua mấy trăm năm, miếu Nhàng Nhàng là nơi thờ phụng, tri ân tưởng nhớ Ông Nhàng và trở thành di tích trở thành địa chỉ nối nhịp cầu tâm linh, nơi gửi gắm khát vọng bình yên, hạnh phúc của người dân trong vùng từ xưa đến nay.

Hàng năm tại miếu Nhàng Nhàng có 2 lễ tế chính thức: Ngày 7 tháng Giêng là lễ Khai minh và ngày 15 tháng 6 âm lịch là lễ Kỳ phúc lục ngoạt. Việc tổ chức tế lễ tại miếu Nhàng Nhàng từ xưa đã được nhân dân địa phương tổ chức và chuẩn bị rất chu đáo, trọng thể. Về tế lễ tại các đền miếu của làng Mỹ Lộc xưa có quy định: “Từ 1945 trở về trước, ở xã đã có Hội đồng tộc biểu gồm các họ lớn trong làng chuyên lo việc tổ chức tế lễ tại miếu Ông Nhàng và đền Cương Khấu - Lộc Sơn. Hội đồng tộc biểu bầu chọn các cụ cao niên trong các dòng họ có đức tính cẩn trọng, nhân từ tham gia ban trị sự để lo việc thờ cúng thần linh tại các đền, miếu của làng Mỹ Lộc. Theo đó quy định của làng là cứ 14 tuổi cho đến 18 tuổi là phải phục vụ công việc chung của làng trong đó có việc tế lễ, như: gõ mõ, đánh trống chiêng, vác cờ, lọng theo làng đi cúng ”.

Ngoài 2 lễ chính hàng năm nói trên, cứ 5 năm một lần làng tổ chức một lễ lớn gọi là lễ “Sám hối”. Tại lễ này dân làng cho lập đàn cầu đảo gồm các linh vật tượng trưng cho linh khí Trời - Đất và mời thầy cúng làm lễ giải đàn với ước nguyện “Cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hoà, cầu cho mùa màng tươi tốt bội thu, người người được khoẻ mạnh, nhà nhà được yên vui ấm no hạnh phúc”.

Lễ tế diễn ra trang nghiêm và thành kính. Ban nghi lễ bao gồm: Chủ tế mặc trang phục và đội khăn đóng màu đỏ; bồi tế mặc trang phục và đội khăn đóng màu xanh, xướng lễ, đọc chúc văn, chấp sự và một ban nhạc lễ. Lễ vật chính gồm có xôi gà, lợn quay, hương đăng, hoa quả, trầu rượu, gạo muối, tiền vàng… được đặt lên các ban thờ, thắp hương, gióng chiêng, trống với ý nghĩa là mời thần linh về tham gia buổi lễ. Ban hành lễ đứng, quỳ trước bàn thờ thỉnh, mời các vị về ban thờ để dân làng tiến hành làm lễ hiến tước, hiến trà, dâng rượu, đọc chúc văn, báo cáo với trời đất, thần linh, Đức Thành hoàng về thời gian, nội dung, thành phần lễ tế và mời chư vị thần linh giáng lâm trước án.

Với những giá trị lịch sử đó, Miếu Nhàng Nhàng được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 1985/QĐ-UBND ngày 15/8/2024.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH CẨM XUYÊN
    Thống kê: 166.763
    Trong năm: 65.436
    Trong tháng: 5.352
    Trong tuần: 1.587
    Trong ngày: 73
    Online: 3
    EMC Đã kết nối EMC