(Công nhận theo Quyết định số 3371/QĐ-UBND ngày 26/8/2015 của
UBND tỉnh Hà Tĩnh)
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH ĐỀN CẨM BÀO
(Công nhận theo Quyết định số 3371/QĐ-UBND ngày 26/8/2015 của
UBND tỉnh Hà Tĩnh)

I. TÊN GỌI DI TÍCH: Đền Cẩm Bào.
Tên thường gọi trong nhân dân: đền Bà, đền Bà Cẩm Bào.
II. ĐỊA ĐỂM:
Đên Cẩm Bào thuộc địa phận TDP 4, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Trước năm 1945, thị trấn Cẩm Xuyên gồm 3 làng Gia Hội, Cẩm Bào và Trung Xá. Sau cách mạng tháng 8/1945, làng Cẩm Bào tách ra thành một đơn vị hành chính. Đầu năm 1947, cách làng Gia Hội, Cẩm Bào, Đồng Cao, Đoài Vân, Trường Nội, Trường Ngoại, Trường Yên và Trung Xá hợp nhất thành một đơn vị hành chính gọi là xã Cẩm Vân. Năm 1948, xã Cẩm Vân cắt xóm Phượng Trì của làng Cẩm Bào sát nhập vào xã Cẩm Huy. Năm 1958, xã cẩm Vân chia thành hai xã Cẩm Tiến và Cẩm Thăng. Xã Cẩm Tiến sau khi chia tách gồm các làng Gia Hội, Cẩm Bào và Trung Xá. Năm 1997, xã cẩm Tiến sát nhập vào thị trấn Cẩm Xuyên.
Đền Cẩm Bào cách thành phố Hà Tĩnh 15km về phía Đông Nam. Xuất phát từ thành phố Hà Tĩnh theo Quốc lộ 1A đi về hướng nam 15km đến thị trấn Cẩm Xuyên, từ đây theo đường liên thị khoảng 1km đến TDP4 rẽ trái 150m là đến di tích.

III. SỰ KIỆN NHÂN VẬT LỊCH SỬ:
Theo truyền ngôn của nhân dân địa phương, Đền Cẩm Bào được xây dựng vào thế kỷ XVII dưới thời vua Lê Ý Tông (1665) để thờ công chúa con của vua Lê Thần Tông (vị vua thứ 6 của nhà Lê Trung Hưng, hai lần làm vua: 1619 - 1643 và 1649-1662). Tương truyền công chúa là người con gái có tài sắc vẹn toàn và nhân gian thường gọi là công chúa Lê Bà.
Vào nửa đầu thế kỷ XVII, đất nước bị chia cắt bởi cuộc nội chiến phân tranh Trịnh – Nguyễn. Trong khoảng thời gian từ 1627 đến 1672, hai bên đã đánh nhau 7 lần, làm cho vùng đất từ bờ Nam Sông Lam đến đèo Ngang trở thành chiến trường ác liệt đẫm máu. Trong đó quân Trịnh tấn công vào Đàng Trong 5 lần, quân Nguyễn Tấn công 2 lần, nhưng bất phân thắng bại, cuối cùng lấy sông Gianh làm giới tuyến. Trong cuộc nội chiến ác liệt này, để có chính danh, các chúa Trịnh đã rước vua Lê thân chinh đi đánh chúa Nguyễn. Trong đó lần thứ 3 (1643) công chúa Lê Bà là người đã xa giá theo vua Lê Thần Tông, chúa Trịnh và các vị tướng lĩnh vào châu Bố Chính (Quảng Bình) trong cuộc nội chiến phân tranh Trịnh – Nguyễn tại Quảng Bình. Quân Nguyễn dựa vào Lũy Thầy chống cự, sau 2 tháng giằng co lương thảo cạn kiệt, khí hậu khắc nghiệt làm cho binh lính bệnh tật chết nhiều, nê quân tịnh rút quân về phía Bắc thuộc vùng đất Hà Hoa và giao cho tướng Trịnh Xuân Lôi trấn giữ ( Từ thế kỷ XV - XVII, huyện Cẩm Xuyên thuộc nửa phía Tây Bắc của huyện Kỳ Hoa, phủ Hà Hoa ) . Tại đây, công chúa Lê Bà cùng với tướng quân Trịnh Xuân Lôi lập doanh trại tại xứ Bàu Lau, dưới chân núi Phượng Hoàng thuộc vùng đất Kỳ Hoa để phòng thủ ( Từ năm 1837, huyện Kỳ Hoa được chia làm 2 huyện là Kỳ Hoa và Hoa Xuyên, năm 1841 đổi Kỳ Hoa lên Kỳ Anh và Hoa Xuyên là Cẩm Xuyên) . Thấy binh lính đói khổ, thiếu lương thực, nhân dân li tán, công chúa Lê Bà đã cùng với tướng lĩnh chiêu tập dân lưu tán, binh lính tổ chức khai khẩn đất đai để sản xuất, trong đó đã khai khẩn 370 mẩu ruộng tại làng Cẩm Bào, nay là Thị trấn Cẩm Xuyên rồi chia đều cho dân theo chế độ công điền, công thổ và xây dựng làng mạc trù phú.
Ghi nhận công lao của công chúa Lê Bà, vua Lê đã ban thưởng cho bà một chiếc áo Gấm. Bà đã chọn vùng đất làng Cẩm Bào xưa nay là tổ dân phố 4 thị trấn Cẩm Xuyên để đặt áo vua ban làm lễ tế công. Tên làng Cẩm Bào cũng vì thế mà có từ đó. Để ghi nhớ công ơn của bà, sau khi bà mất nhân dân làng Cẩm Bào đã lập đền thờ và tôn bà làm thành hoàng của làng mình. Nhân dân trong làng Cẩm Bào hết sức tôn kính công chúa Lê Bà.
Theo các cụ cao niên ở đây kể lại, nhân dân trong vùng này tuyệt đối không xưng danh “ Bà” trong cuộc sống hàng ngày mà gọi bằng “ Mệ”, kể cả những phụ nữ ở các vùng khác lấy chồng về đây cũng đều được dặn điều này.

Công chúa Lê Bà đã được các vưa Tự Đức, Khải Định, Đồng Khánh, Thành Thái ban nhiều sắc phong vinh danh công trạng của công chúa Lê Bà, trong đó vua Tự Đức ban hành 2 đạo sắc ghi rõ :“Lê Bà Thánh Mẩu nhất nương”, sắc phong bản cảnh Thành Hoàng. Bộ sưu tập sắc phong do các vị vua triều Nguyễn phong tặng hiện nay đã bị mất mát, các tài liệu đó giờ chỉ còn lưu trong các bài văn cúng và trong tâm thức nhân dân với nội dung sau:
- Sắc thứ 1: “Lê Bà Thánh Mẩu nhất nương.
Sắc phong bản cảnh thành hoàng ”
( Tự Đức tam thập nhi niên)
- Sắc thứ 2: Tái gia tặng báo chiếu đàm ân
( Tự Đức tam thập nhị niên)
- Sắc thứ 3: Hữu gia tặng Y cựu phụng sự
(Vua Đồng Khánh)
- Sắc thứ 4: Hữu gia tặng trinh uyển linh ưng
(Vua Thành Thái)
- Sắc thứ 5: Khâm mông gia tặng tứ tuần đại khánh Dực Bảo trung ương
(Khải Định)

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đền thờ Cẩm Bào đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 1928, nhận thấy sự linh thiêng của ngôi đền và cũng để ghi nhớ công chúa Lê Bà, nhân dân trong vùng đã trùng tu đền quy mô hơn, gồm các hạng mục chính là thượng điện, hạ điện, tả vu, hữu vu, cổng. Thượng điện 3 gian được xây bằng vô vữa mái uốn lượn giá đỡ hồi 4 mái là 4 đầu cá chép. Nhà bái đường được làm bằng gỗ gồm 3 gian 2 chái hồi, kiến trúc theo kiểu nhà kẻ. Bái đường được sử dụng làm nơi tổ chức tế lễ. Nội thất bài trí gồm có gươm giáo câu đối hoành phi sơn, son thiếp vàng, tàn, cờ lọng. Đặc biệt năm 1948, xã Cẩm Vân đã hợp tự các vị thành hoàng làng ở các đền: Đoài Vân, Đông Cao, Trường Nội, Trường Ngoại, Yên Trung, Yên Xá, Gia Hội và chùa Núi Hội. Tất cả rước về đền Cẩm Bào lấy nơi đây làm điểm đén của cuộc sống tâm linh cho toàn Tổng Vân Tán. Trong ngày hợp tự, nhân dân địa phương đã rước 7 bức tượng Phật và một số hiện vật quý khác về tại đền, đáng tiếc là do công tác bảo quản không tốt, do sự biến thiên của thời tiết, đến nay các sắc phong và đồ vật thờ tự đều bị chôn đi làm cho tất cả bị mất mát hư hỏng.

Xưa kia đền Cẩm Bào có thượng điện, tả vu, hữu vu, ban thờ cộng đồng, bái đường, cột nanh, tường dắt bao phủ lấy đền. Đền Cẩm Bào hiện nay gồm các hạng mục: Cột nanh, hạ điện và thượng điện. Cổng chính trên có Nghê chầu. Hai mặt cột nanh khắc nổi đôi câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm có nội dung:
Mặt trước:
Phiên âm: Khai tác hồng huân thùy vũ trụ
Bích trinh liệt tiết đội sơn hà
Dịch nghĩa: Ánh sáng chiếu rọi cùng vũ trụ
Tấm lòng trinh tiết rạng núi sông
Mặt sau:
Phiên âm: Hiển hách ở kim khai địa mạch
Côn hoàng miễn tự túc thiên chương
Dịch nghĩa: Năm sắc mây rồng tiền điện thánh
Một vầng áo gấm, ấm lòng dân
Hạ điện có kết cấu vi kèo đơn giản làm nơi hội họp hành lễ. Từ hạ điện quan khoảng sân là thượng điện với kết cấu kiến trúc đơn giản. Mặt trước đắp nổi cuốn thư bằng chữ Hán: “ Các trung đế tử”, mặt trước hai cột trụ thượng điện khắc nổi đôi câu đối bằng chữ Hán:
Phiên âm: Hiển hách cổ kim khai địa mạch
Côn hoàng miễn tự trác thiên hương
Dịch nghĩa: Vẻ vang nơi này mở mang mạch đất
Lớn lao mãi mãi đầy đủ văn trời
Phía trong gian giữa thượng điện trao câu đối bằng chữ Hán có nội dung:
Phiên âm: Tướng địa dư cư dân hữu lợi
Phối thiên kỳ trạch đức vô cương
Dịch nghĩa: Thần đất ở lại vùng này dân có lợi thế
Sánh ngang với đất trời đức vô cùng
Phía trong gian giữa treo bức hoàng phi sơn son thiếp vàng bằng chữ Hán có nội dung: “ Vạn cổ tồn”
Trong hàng trăm năm qua, đền là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng. Theo các vị cao niên trong vùng kể lại, trước đây tại đền nhiều lễ hội được tổ chức như: vật cù, rút dây, vật người, đánh cờ thể, cờ người, ngân thơ, họa thơ, bình thơ, hát ví dặm… thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hiện nay đền Cẩm Bào được nhân dân thờ phụng, hương khói, đặc biệt hàng năm cứ vào ngày giỗ của công chúa Lê bà ( ngày 10/12), được tổ chức rất trọng thể, nhân dân trong vùng soạn sửa các mân lễ về dâng cúng rất đông. Đây là nét đẹp văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta đối với các bậc tiền nhân có công với quê hương đất nước.
Không chỉ có giá trị về mặt văn hóa tâm linh, mà đền Cẩm Bào còn là một địa chỉ hoạt động cách mạng của địa phương, đây là nơi thành lập chi bộ Đảng của làng Cẩm Bào. Năm 1930 chính quyền thực dân phong kiến về vây đền, chống phong trào “Nổi trống Cồn Soi Xô Viết”, bắt cụ Học Thuyết với tội làm vài vè cổ động đóng đòn nhằm kêu gọi đoàn kết ủng hộ Cộng sản. Trong khởi nghĩa cách mạng tháng 8 năm 1945 đền là nơi tập hợp lực lượng của các làng trong vùng để kéo xuống chiếm Đồn Trường ( thủ phủ của thực dân Pháp – nay là xã Cẩm Thăng).
Năm 1949, đền là trụ sở chỉ huy của Trung đoàn 18 Hà Tĩnh, là điểm dùng chân của thiếu tướng Nguyễn Sơn trước khi duyệt binh ở Đồn Trường để chi viện cho chiến trường Bình – Trị - Thiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong những năm kháng chiến chống Pháp đền là nơi phát động Tuần Lễ vàng công trái quốc gia, công phiếu kháng chiến. Năm 1949-1952 Đền là trụ sở của ủy ban kháng chiến hành chiến huyện Cẩm Xuyên
Năm 1972, nhà thơ Tố Hữu – Trưởng ban tuyên huấn Trung ương cũng đã dừng chân tại đền trên đường đi thăm HTX Cẩm Nam và cũng từ năm 1972 đến năm 1975 đền Cẩm Bào là kho vũ khí của Quân đội trung chuyển sau đó bị mối ăn đổ nát, biến thành nơi hoạt động của y tế (nhà thuốc), vườm ươm, xay xát của HTX
Trải qua hàng trăm năm, đền Cẩm Bào vẫn còn đó như một minh chứng hùng hồn của lịch sử văn hóa địa phương, một nơi phụng vị phúc thần có công với làng và đây cũng là một điểm ghi dấu những sự kiện lịch sử trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Đền Cẩm Bào được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh đã khẳng định giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của ngôi đền, qua đó góp phần giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc và biết phát huy truyền thống lịch sử.