CÁC THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO QUA MẠNG
1. Giả danh cán bộ công an, kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo có liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng về buôn người, mua bán ma tuý xuyên quốc gia hoặc gây tai nạn giao thông bỏ trốn, đồng thời gửi hình ảnh giả mạo chụp các văn bản tố tụng và yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật. Khi nạn nhân cho biết mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến thì đối tượng lừa đảo yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh hoặc yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra, xử lý”. Từ đó, dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của mình như chuyển tiền để phục vụ điều tra xác minh, chuyển tiền trước khi bị phong tỏa tài khoản... rồi chiếm đoạt. 2. Gỉa danh cán bộ ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet Banking của khách hàng bị lỗi. Từ đó, yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra hoặc truy cập đường link giả mạo trang web ngân hàng. Các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại. 3. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử như: Tiki.vn, Lazada, TokyoLive, Shopee... hoặc nhận quà miễn phí từ các sàn thương mại điện tử. Khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên, hướng dẫn cách nhận quà, các đối tượng sẽ yêu cầu gửi thông tin cá nhân, kết bạn zalo để tư vấn và hướng dẫn làm theo các nhiệm vụ do đối tượng yêu cầu để được nhận tiền, nhận quà. Sau một số lần tạo niềm tin bằng cách trả tiền gốc và hoa hồng như cam kết ban đầu, đối tượng viện lý do là “bạn đã được công ty nâng hạng” và gửi các đường dẫn sản phẩm có giá trị lớn hơn câu dẫn bị hại chuyển tiền. Sau khi nhận tiền, đối tượng lừa đảo yêu cầu cộng tác viên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khác thì mới được chuyển lại tiền và hoa hồng (thực chất là tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản đối tượng) từ đó chiếm đoạt tiền của bị hại. 4. Lừa đảo thông qua các sàn giao dịch trên mạng. Các đối tượng mời chào, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch ảo... do đối tượng thiết lập, cam kết sẽ hưởng lợi nhuận cao khi tham gia hệ thống. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp vào các giao dịch, điều chỉnh thắng thua hoặc báo lỗi, ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền của người tham gia. 5. Sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, chính quyền, đoàn thể... để thiết lập tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook...) mạo danh. Sau đó, các đối tượng dùng tài khoản mạo danh để kết bạn, nhắn tin trao đổi vay, mượn tiền; hoặc đối tượng lừa đảo chiếm đoạt quyền sở hữu tài khoản mạng xã hội sau đó tạo ra kịch bản nhắn tin lừa đảo đến bạn bè của chủ tài khoản mạng xã hội và chiếm đoạt tiền của các bị hại. 6. Hack tài khoản mạng xã hội với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: gửi một đường link qua ứng dụng messenger khi người dùng đăng nhập, thông tin về tài khoản và mật khẩu sẽ được gửi về cho đối tượng; thủ đoạn lừa khôi phục hoặc lấy lại tài khoản mạng xã hội đã bị khóa hoặc bị hack; thủ đoạn dò đoán mật khẩu. Sau khi đã chiếm được quyền sở hữu tài khoản, đối tượng sẽ thay đổi các thông tin đăng nhập như mật khẩu, email, số điện thoại. Sau đó, đối tượng sử dụng tài khoản này để thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách nhắn tin cho những tài khoản trong danh sách bạn bè để hỏi vay tiền, nhờ chuyển tiền... 7. Thủ đoạn mạo danh bác sỹ, lương y để tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc đông y, thực phẩm chức năng. Khi người bị hại sử dụng các loại thuốc này không hiệu quả thì các đối tượng tư vấn làm hồ sơ bảo hành hoàn tiền (hoàn trả lại tiền đã mua và sử dụng các sản phẩm trước đây) rồi yêu cầu bị hại đóng tiền như phí hồ sơ, thuế, phí giải ngân… từ đó chiếm đoạt tiền của bị hại.