Di tích lịch sử đền Cẩm Bào, Thị trấn Cẩm Xuyên
Đền Cẩm Bào được xây dựng vào thế kỷ XVII dưới thời vua Lê Ý Tông (1665) để thờ công chúa con của vua Lê Thần Tông ( vị vua thứ 6 của nhà Lê trung hưng, hai lần làm vua: 1619 -1643 và 1649-1662 ). Tương truyền công chúa là người con gái có tài sắc vẹn toàn và nhân gian thường gọi là công chúa Lê Bà. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, đất nước bị chia cắt bởi cuộc nội chiến phan tranh Trịnh – Nguyễn. Trong khoảng thời gian từ 1627 đến 1672, ha bên đã đnáh nhau 7 lần, làm cho vùng đất từ bờ Nam Sông Lam đến đào Ngang trở thành chiến trường ác liệt. Trong đó quân Trịnh tấn công vào Đàng Trong 5 lần, quân Nguyễn Tấn công 2 lần, nhưng bất phân thắng bại, cuối cùng lấy song Gianh làm giới tuyến. Trong cuộc nội chiến ác liệt này, để có chính danh, các chúa Trịnh đã rước vua Lê thân chinh đi đánh chúa Nguyễn. Trong đó lần thứ 3 ( 1643) công chúa Lê Bà là người đã xa giá theo vua Lê Thần Tông, chúa Trịnh và các vị tướng lĩnh vào Quảng Bình trong cuộc nội chiến phân tranh Trịnh – Nguyễn tại Quảng Bình. Sau 2 tháng giằng co, quân Trịnh thất bại và rút quân về vùng đất Hà Hoa và giao cho tướng Trịnh Xuân Lôi trấn giữ ( Từ thế kỷ XV - XVII, huyện Cẩm Xuyên thuộc nửa phía Tây Bắc của huyện Kỳ Hoa, phủ Hà Hoa ) . Tại đây, công chúa Lê Bà cùng với tướng quân Trịnh Xuân Lôi lập doanh trại tại xứ Bàu Lau, dưới chân núi Phượng Hoàng thuộc vùng đất Kỳ Hoa để phòng thủ ( Từ năm 1837, huyện Kỳ Hoa được chia làm 2 huyện là Kỳ Hoa và Hoa Xuyên, năm 1841 đổi Kỳ Hoa lên Kỳ Anh và Hoa Xuyên là Cẩm Xuyên) . Thấy binh lính đói khổ, thiếu lương thực, nhân dân li tán, công chúa Lê Bà đã cùng với tướng lĩnh chiêu tập dân lưu tán, binh lính tổ chức khai khẩn đất đai để sản xuất, trong đó đã khai khẩn 370 mẩu ruộng tại làng Cẩm Bào, nay là Thị trấn Cẩm Xuyên rồi chia đều cho dân theo chế độ công điền, công thổ và xây dựng làng mạc trù phú. Ghi nhận công lao của công chúa Lê Bà, vua Lê đã ban thưởng cho bà một chiếc áo Gấm. Bà đã chọn vùng đất làng Cẩm Bào xưa nay là tổ dân phố 4 thị trấn Cẩm Xuyên để đặt áo vua ban làm lễ tế công. Tên làng Cẩm Bào cũng vì thế mà có từ đó. Để ghi nhớ công ơn của bà, sau khi bà mất nhân dân làng Cẩm Bào đã lập đền thờ và tôn bà làm thành hoàng của làng mình. Nhân dân trong làng Cẩm Bào hết sức tôn kính công chúa Lê Bà. Theo các cụ cao niên ở đây kể lại, nhân dân trong vùng này tuyệt đối không xưng danh “ Bà” trong cuộc sống hàng ngày mà gọi bằng “ Mệ”, kể cả những phụ nữ ở các vùng khác lấy chồng về đây cũng đều được dặn điều này. Công chúa Lê Bà đã được các vưa Tự Đức, Khải Định, Đồng Khánh, Thành Thái ban nhiều sắc phong vinh danh công trạng của công chúa Lê Bà, trong đó vua Tự Đức ban hành 2 đạo sắc ghi rõ :“Lê Bà Thánh Mẩu nhất nương.Sắc phong bản cảnh thành hoàng ”( Tự Đức tam thập nhi niên)Tái gia tặng báo chiếu đàm âm( Tự Đức tam thập nhi niên)Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đền thờ Cẩm Bào đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 1928, nhận thấy sự linh thiêng của ngôi đền và cũng để ghi nhớ công chúa Lê Bà, nhân dân trong vùng đã trùng tu đền quy mô hơn. Đặc biệt năm 1948 đền trở thành nơi hợp tự của 8 ngôi đền, chùa trong vùng, trong ngày hợp tự, nhân dân địa phương đã rước 7 bức tượng Phật và một số hiện vật quý khác về tại đền, đáng tiếc là do công tác bảo quản không tốt, do sự biến thiên của thời tiết, đến nay các hiện vật bị hư hại, chỉ còn lại bát hương cổ. Xưa kia đền Cẩm Bào có thượng điện, tả vu, hữu vu, ban thờ cộng đồng, bái đường, cột nanh, tường dắt bao phủ lấy đền. Đền Cẩm Bào hiện nay gồm các hạng mục: Cột nanh, hạ điện và thượng điện. Cổng chính trên có Nghê chầu. Hai mặt cột nanh khắc nổi đôi câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm có nội dung:Mặt trước:Ánh sáng chiếu rọi cùng vũ trụTấm lòng trinh tiết rạng núi sôngMặt sau: Năm sắc mây rồng tiền điện thánhMột vầng áo gấm, ấm lòng dân Mặt trước 2 cột trụ thượng điện với kết cấu kiến trúc đơn giản. Mặt trước đắp nổi cuốn thư bằng chữ Hán: “ Các trung đế tử”, mặt trước hai cột trụ thượng điện khắc nổi đôi câu đối bằng chữ Hán:Vẻ vang nơi này mở mang mạch đấtLớn lao mãi mãi đầy đủ văn trờiPhía trong gian giữa thượng điện trao câu đối bằng chữ Hán có nội dung:Thần đất ở lại vùng này dân có lợi thếSánh ngang với đất trời đức vô cùngPhía trong gian giữa treo bức hoàng phi sơn son thiếp vàng bằng chữ hán có nội dung: “ Vạn cổ tồn”Trong hàng trăm năm qua, đền là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng. Theo các vị cao niên trong vùng kể lại, trước đây tại đền nhiều lễ hội được tổ chức như: vật cù, rút dây, vật người, đánh cờ thể, cờ người, ngân thơ, họa thơ, bình thơ, hát ví dặm… thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hiện nay đền Cẩm Bào được nhân dân thờ phụng, hương khói, đặc biệt hàng năm cứ vào ngày giỗ của công chúa Lê bà ( ngày 10/12), được tổ chức rất trọng thể, nhân dân trong vùng soạn sửa các mân lễ về dâng cúng rất đông. Đây là nét đẹp văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta đối với các bậc tiền nhân có công với quê hương đất nước. Không chỉ có giá trị về mặt văn hóa tâm linh, mà đền Cẩm Bào còn là một địa chỉ hoạt động cách mạng của địa phương, đây là nơi thành lập chi bộ Đảng của làng Cẩm Bào. Trong khởi nghĩa cách mạng tháng 8 năm 1945 đền là nơi tập hợp lực lượng của các làng trong vùng để kéo xuống chiếm Đồn Trường ( thủ phủ của thực dân Pháp – nay là xã Cẩm Thăng). Năm 1949, đền là trụ sở chỉ huy của Trung đoàn Hà Tỉnh, là điểm dùng chân của thiếu tướng Nguyễn Sơn trước khi duyệt binh ở Đồn Trường để chi viện cho chiến trường Bình – Trị - Thiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong những năm kháng chiến chống Pháp đền là nơi phát động Tuần Lễ vàng công trái quốc gia, công phiếu kháng chiến. Năm 1972, nhà thơ Tố Hữu – Trưởng ban tuyên huấn Trung ương cũng đã dừng chân tại đền trên đương đi thăm HTX Cẩm Nam và cũng từ năm 1972 đến năm 1975 đền Cẩm Bào trở thành kho chứa vũ khí và điểm trung chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam.Đền Cẩm Bào được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh đã khẳng định giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của ngôi đền, qua đó góp phần giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc và biết phát huy truyền thống lịch sử.