HỘI NÔNG DÂN THỊ TRẤN CẨM XUYÊN XÂY DỰNG MÔ HÌNH TRỒNG SÂM BỐ CHÍNH
Phóng viên (PV )chúng tôi đã có mặt từ rất sớm tại cánh đồng của Tổ dân phố 4, Thị trấn Cẩm Xuyên, rất đông hội viên Hội nông dân đang tất bật lao động để xuống giống loại cây trồng mới có tên gọi là Sâm bố chính. Đây là mô hình trồng sâm đầu tiên trên địa bàn Thị trấn Cẩm Xuyên cũng là công trình chào mừng thành công Đại hội nông dân thị và hướng tới Đại hội Hội nông dân huyện Cẩm Xuyên.
Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng các mô hình mới trên địa bàn, Hội nông dân thị đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền Thị trấn Cẩm Xuyên, đi tham quan một số mô hình trồng Sâm bố chính để triển khai thí điểm trên địa bàn. Mô hình trồng Sâm bố chính được sản xuất trên quy mô diện tích 2 nghìn m2, tại HTX nông nghiệp Sơn Thái, tổ dân phố 4.
Trao đổi với PV chúng tôi ông Trần Văn Mảy, chủ mô hình cho biết “Qua tìm hiểu được biết, về Sâm bố chính có đặc điểm trong cây có chất nhờn nên khó trồng, khi đất ẩm thấp cây dễ bị bệnh thối củ và một khi bị bệnh là không chữa được nên khâu quan trọng là phải xử lý đất ngay từ đầu, không để giá thể bị ngập úng, phủ lớp Nano để không bị côn trùng xâm nhập”.
Được biết loại sâm này có thời gian từ khi xuống giống đến thu hoạch là 1 năm, cho năng suất trung bình 150kg / 1 sào, mỗi kg củ sâm tươi trên thị trường có giá trên 300 nghìn đồng.
Theo tính toán , trừ chi phí mỗi sào đưa lại hiệu quả kinh tế khoảng 33 triệu đồng. Được biết, sau khi cây ra hoa, đậu quả , phần hạt được thu hoạch để làm giống. Các thành phần khác của cây sâm như hoa, lá, đều được tận dụng phơi khô chế biến thành trà, làm nước uống. Còn phần củ sâm được dùng để bào chế thảo dược chữa bệnh. Củ sâm có nhiều công dụng như chữa suy nhược cơ thể, mất ngủ, suy dinh dưỡng , ho, sốt, trầm cảm và chữa một số bệnh khác.
Theo Hội nông dân Thị trấn Cẩm Xuyên cho biết, từ làm điểm xây dựng mô hình trồng Sâm bố chính tại tổ dân phố 4, sau này Hội nông dân thị sẽ có đánh giá cụ thể về hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích để tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương, nhân rộng mô hình, tạo điểm nhấn trong việc du nhập giống cây mới vào địa bàn. Hội rất kỳ vọng vào mô hình này, để khi sản xuất lớn thì gắn với công tác chế biến sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Dưới đây là một số hình ảnh